Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã được người dân đưa về từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thăng trầm theo những cây dâu, com tằm, người dân Hồng Phong hôm nay đang từng bước tìm ra hướng đi mới và khẳng định lại giá trị của nghề truyền thống cũng như phương pháp canh tác nông nghiệp lâu đời của địa phương.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao
Trước đây người Hồng Phong chủ yếu trồng dâu nuôi kén thịt, bán kén ươm tơ. Một vài năm gần đây do cơ chế thị trường nên nhu cầu tiêu thụ kén lấy tơ giảm sút. Trong khi đó do nhu cầu thực phẩm sạch nên bà con Hồng Phong đã chuyển sang nuôi cánh rén làm thực phẩm. Nói về những lợi thế khi chuyển sang hướng đi này, ông Đặng Đình Vệ - xã Hồng Phong - huyện Vũ Thư cho biết: “Nuôi kén ré thứ nhất thuận lợi đó là mua kén ré của trứng tằm của lứa đầu mùa, sau khi lứa đầu mùa nở trứng và nuôi thành kén thì chúng tôi lại tự để trứng đấy. Cho nên chúng tôi bớt được cái là đi mua trứng ở các nơi, năng suất thì kén này chịu được nhiệt độ cao, không như kén nai nhiệt độ cao là bị hỏng.”
Người dân Hồng Phong thu hái lá dâu chăn nuôi tằm
Trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ngành kinh tế nông nghiệp khác. Cây dâu sinh trưởng cao trên nhiều loại đất, chỉ sau 4 đến 6 tháng trồng dâu là có thể thu hoạch lá, và một lần trồng có thể thu hoạch đến 10 năm, 20 năm. Mặt khác cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu tương, đỗ và rau, vừa tiện chăm sóc và đầu tư cải tạo đất. Tằm là con vật dễ nuôi, nhanh có lợi tuy lợi nhuận thu vào một lần không cao nhưng thường xuyên trong năm. Chi phí trồng dâu thấp đồng thời trồng dâu nuôi tằm lại cho thu hoạch nhanh nên trồng dâu nuôi tằm có nhiều thuận lợi hơn so với các ngành nghề khác. Nghề trồng dâu nuôi tằm có nguồn nhân lực dồi dào mà người dân từ người trẻ đến già đều có thể thực hiện được, đồng thời có thể thu hút được lao động nông nhàn.
Khắc phục khó khăn để phát triển
Nghề trồng dâu nuôi tằm tuy có nhiều thuận lợi hơn so với các ngành nghề khác nhưng không hề nhàn hạ. Mỗi cây dâu từ lúc trồng xuống đến lúc cho thu hái phải mất ít nhất gần hai năm với khá nhiều công chăm bón. Đến khi dâu cho thu hái lá thì phải trông thời tiết, nhất là sâu bệnh hại dâu, bởi tằm là một loài rất nhạy cảm và dễ bị nhiễm bệnh. Nếu trồng dâu vất vả một, thì chăn tằm vất vả thêm 4-5 lần. Dân gian có câu "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân Hồng Phong vấn bám nghề
Chuyện trồng dâu nuôi tằm đã và đang mai một ở nhiều địa phương khác nhưng người Hồng Phong vẫn gắn bó với nghề và đang từng bước tìm hướng đi mới khẳng định giá trị của nghề truyền thống. Tuy nhiên do thực địa của xã chủ yếu là đất bãi nằm ngoài đê nên hệ thống thủy lợi không đáp ứng được. Bà con chăm bón cây màu còn gặp rất nhiều khó khăn khi phải lấy nước trực tiếp từ sông Hồng mang về. Ông Lê Trung Kiên - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Phong nói: “Hàng năm chúng tôi cũng đã có những tờ trình lên cấp trên để hỗ trợ các trạm bơm và máng cứng nhưng cho đến nay tiến độ còn rất chậm. Chúng tôi cũng mong tới đây các cấp tạo điều kiện cho vùng dâu bãi ven sông Hồng được hỗ trợ trạm bơm để phục vụ cho cây dâu những năm tiếp theo.”
Khó khăn là thế song với hơn 1.400 hộ trồng dâu nuôi tằm ở xã Hồng Phong thì cây dâu con tằm vẫn là những điều gắn bó nhất, vẫn quyết tâm bám nghề và phát triển nghề. Trên mỗi sào đất dâu màu xanh mướt của cây dâu xen với màu xanh của những cây trồng ngắn ngày khác đã trở nên quen thuộc trong phương thức canh tác của người nông dân Hồng Phong hôm nay. Cây dâu con tằm vẫn là một thế mạnh riêng và là hướng đi chính trong sản xuất và phát triển kinh tế của địa phương.
Trịnh Thị Quỳnh Trang
Phát thanh k31
0 comments:
Post a Comment